Search
Last updated on 15/09/2024 at 02:10 AM

Bà Winnie Wong, “Nữ doanh nhân Việt Nam kiên cường, mạnh mẽ”

Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào đã nhận xét về các nữ doanh nhân Việt Nam nhân dịp Báo cáo chỉ số nữ doanh nhân 2021 vừa được công bố.

Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào.
Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào.

Đại dịch Covid-19 đã tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, gây nhiều khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Theo bà, áp lực các nữ doanh nhân tại Việt Nam phải chịu đựng trong quản trị doanh nghiệp trước và sau đại dịch có gì khác biệt?

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thay đổi mạnh mẽ đối với từng cá nhân, cộng đồng và doanh nghiệp tại các quốc gia trên toàn thế giới. Bên cạnh những nỗ lực kịp thời và đúng đắn từ Chính phủ Việt Nam nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, không thể phủ nhận rằng các biện pháp giãn cách xã hội và phòng chống dịch bệnh cũng phần nào ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ.

Trong năm 2021, 64% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chịu tác động mạnh mẽ bởi khủng hoảng toàn cầu, so với tỷ lệ 52% tại các doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Các nữ doanh nhân Việt Nam đang gặp phải rất nhiều khó khăn.

Theo Báo cáo Chỉ số Nữ doanh nhân của Mastercard năm 2021 (MIWE 2021), Việt Nam xếp hạng 21 trên tổng số 65 nền kinh tế, hạ một bậc so với vị trí thứ 20 của năm 2020.

Chỉ số này xuất phát từ thực tế đa số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoạt động trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch, trong đó phải kể đến lĩnh vực du lịch – dịch vụ, kinh doanh thực phẩm và bán buôn, bán lẻ.

Tuy Chính phủ đã có các biện pháp hỗ trợ duy trì hoạt động kinh doanh, nhưng phụ nữ Việt Nam vẫn chịu nhiều thiệt thòi trong cơ hội kinh doanh, phát triển sự nghiệp, tiếp cận dịch vụ giáo dục và tài chính, đi cùng với đó là sự bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận vốn.

Báo cáo Chỉ số Nữ doanh nhân 2021 của Mastercard cho thấy các nữ doanh nhân tại Việt Nam đứng thứ hạng cao trong bảng xếp hạng các nữ doanh nhân trên thế giới. Bà có nhận xét gì về điều này?

Nữ doanh nhân Việt Nam đã thể hiện sự kiên cường và mạnh mẽ, thành công trong việc duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh, ngay cả khi phải đối mặt với những thách thức khổng lồ từ khủng hoảng đại dịch toàn cầu.

Tốc độ tham gia vào các hoạt động kinh doanh của phụ nữ tại Việt Nam không chỉ ngang bằng mà còn nhanh hơn nhiều so với nam giới, với tốc độ tăng trưởng chạm ngưỡng hơn 20%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ Việt Nam đạt 69,3%, một trong các nước có tỷ lệ cao nhất trên thế giới (xếp thứ 5).

Thành quả này được tạo nên từ rất nhiều yếu tố, nhưng đóng vai trò chính là niềm đam mê với kinh doanh, cùng ý chí và sự quyết tâm mạnh mẽ nhằm sống sót và vươn lên giữa những thách thức của họ.

Ngày nay, phụ nữ Việt Nam thể hiện vai trò nòng cốt trong xã hội khi ngày càng nhiều người đảm nhiệm những vị trí cốt cán và có nhiều đóng góp to lớn trong mọi mặt của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ điều hành 26,5% số doanh nghiệp trên cả nước, tạo ra doanh thu trung bình hàng năm tương đương với nam giới .

Theo khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, lao động nữ đóng góp 40% trong tổng tài sản quốc gia.

Những nỗ lực của các nữ doanh nhân Việt Nam không chỉ giúp doanh nghiệp của họ duy trì hoạt động và gặt hái được nhiều thành công mà còn góp phần giải quyết nhiều vấn đề thách thức trong xã hội. Do đó, bước tiến lớn của phụ nữ Việt Nam và sự đóng góp của họ cho nền kinh tế – xã hội của đất nước là điều không thể phủ nhận, đặc biệt là trong quá trình phục hồi hậu Covid.

Là một nữ doanh nhân và nhà lãnh đạo thành đạt, theo bà, những kỹ năng cần thiết nhất giúp các nữ lãnh đạo phục hồi doanh nghiệp sau đại dịch và tiến xa là gì?

Ngày nay, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân là một trong những mối quan tâm hàng đầu, đặc biệt là sau sự bùng phát của đại dịch toàn cầu, khiến con người nhìn nhận lại các ưu tiên và kỳ vọng trong cuộc sống.

Đối với phụ nữ, cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân thường được cho là không thực tế và gần như không thể thực hiện được. Có rất nhiều đồng nghiệp nữ, đối tác và người quen của tôi cũng chia sẻ về những khó khăn khi vừa phải vận hành doanh nghiệp, vừa phải chăm lo cho gia đình.

Với tư cách là một bà mẹ hai con, tôi cũng đồng cảm với những khó khăn đó khi cùng lúc là một nữ doanh nhân, một người vợ và một người mẹ.

Trong thời đại hiện nay, có một phương thức hiệu quả hơn giúp các nữ doanh nhân hài hoà sự nghiệp và cuộc sống cá nhân.

Thay vì vạch ra ranh giới rõ ràng giữa “thời gian làm việc” và “thời gian cá nhân”, phụ nữ có thể linh hoạt kết hợp các nhiệm vụ cá nhân với công việc, giải quyết chúng trong khoảng thời gian hiệu quả nhất dựa trên những ưu tiên của chính mình. Điều này sẽ cho phép họ đạt được các mục tiêu kinh doanh mà không cần phải hy sinh đời sống cá nhân.

Việc các nữ doanh nhân chủ động xác định được những nguồn lực, bao gồm công cụ kỹ thuật số và công nghệ thông tin, mà họ có thể tận dụng để phát triển bản thân và doanh nghiệp cũng vô cùng quan trọng.

Công nghệ hiện nay là một yếu tố không thể thiếu trong mọi lĩnh vực, giúp doanh nghiệp từ việc thu hút khách hàng, quản lý quy trình làm việc, quản lý nhân sự, trả lương nhân viên cho đến tiếp cận nguồn tài chính.

Để thực sự trở thành một phần trong công cuộc phục hồi và chuyển đổi số của đất nước giai đoạn này, các nữ doanh nhân cần đánh giá lại kế hoạch kinh doanh để xác định chính xác các công cụ, giải pháp và sản phẩm kỹ thuật số giúp đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu của doanh nghiệp họ.

Theo bà, cần có những nỗ lực ra sao để hỗ trợ tốt hơn cho các nữ doanh nhân trên hành trình đưa doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng?

Trong hành trình phục hồi hậu Covid, thúc đẩy số hóa thương mại sẽ là yếu tố cốt lõi nhằm hỗ trợ các nữ doanh nhân tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy rằng chuyển đổi số tại Việt Nam chủ yếu được áp dụng tại một nhóm nhỏ các nữ doanh nhân trẻ, sống tại các thành phố lớn, hoặc những người đã từng đi du học nước ngoài.

Chính phủ cần hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp và tổ chức để áp dụng công cụ chuyển đổi số một cách hiệu quả trên quy mô rộng lớn, thông qua xây dựng những sáng kiến và cơ sở hạ tầng giúp nâng cao kiến thức về công nghệ, cũng như những lợi ích thiết thực mà các công cụ này mang lại.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ cũng cần được tiếp cận với hệ thống ngân hàng số và các công cụ số một cách dễ dàng, đồng thời cần mở ra một hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số thuận tiện để giúp họ nâng cao cơ hội kinh doanh xuyên biên giới.

Ở Mastercard, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện cam kết hỗ trợ Chính phủ và các tổ chức tài chính trong việc triển khai những sáng kiến và chương trình hành động nhằm trao quyền cho các nữ doanh nhân, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi nền kinh tế Việt Nam.

Trong tầm nhìn dài hạn, Mastercard tập trung hỗ trợ các nữ doanh nhân tiếp cận với các dịch vụ và giải pháp phân tích dữ liệu hàng đầu thế giới, giúp doanh nghiệp của họ gia tăng hiệu quả kinh doanh, phát triển các mối quan hệ đối tác giúp phụ nữ có thể tham gia sâu rộng hơn vào hệ thống tài chính, cũng như đầu tư sớm vào giáo dục STEM cho thế hệ trẻ tại Việt Nam.

Chúng tôi mở rộng cam kết toàn cầu về tài chính, quyết tâm đến năm 2025, hỗ trợ 25 triệu nữ doanh nhân tham gia vào nền kinh tế số, hợp tác với tổ chức CARE International xây dựng quỹ hỗ trợ khẩn cấp cho hơn 1.000 nữ doanh nhân khởi nghiệp quy mô nhỏ.

Cùng với CARE International, Mastercard cũng hợp tác cùng Sáng kiến hỗ trợ phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE), VPBank và Canal Circle nhằm tạo ra các dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu của các nữ doanh nhân, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn lưu động, dịch vụ tiết kiệm và bảo hiểm cho kế hoạch mở rộng kinh doanh trở nên thuận tiện hơn.

Sáng kiến Thắp lửa (IGNITE) do Trung tâm Phát triển Toàn diện Mastercard tài trợ cũng đảm bảo tạo ra nhiều cơ hội hơn và tăng cường trao quyền cho các nữ doanh nhân.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Tham khảo thêm:

  • Chân dung ông Phạm Thiếu Hoa – Người điều hành “cỗ máy in tiền” cho tỷ phú Phạm Nhật Vượng
  • Phạm Kim Hùng CEO của Base.vn và bài học “nỗ lực đến cùng” để thành công
Facebook
Twitter
Pinterest
Telegram
Email
Print

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Dark mode
LẤY MÃ GIẢM GIÁ 50%  

Nhấn vào nút SHOPEE để lấy mã
mua hàng giảm giá, voucher, freeship hôm nay

GIÁ RẺ NHẤT | FLASH SALE | MỚI LÊN SÀN