Trên báo điện tử Ngày Nay có bài viết (“Vòi bạch tuộc” F88) nói về hệ thống Cầm đồ F88 cho vay cầm cố với lãi suất lên đến 90%/năm.
Cuối tháng 11/2022, anh N.T (ở TP.Thủ Đức) vừa lấy lại cà vẹt xe máy sau một năm mang đi cầm tại F88 để vay tiền. Năm ngoái, dịch bệnh càng quét, thu nhập bấp bênh, anh tìm đến một cửa hàng F88 để vay tiền. “Anh nghĩ nó là công ty tài chính, chứ không nghĩ nó là tiệm cầm đồ, đến khi đọc báo mới biết”, anh N.T tiếp tục kể.
Thủ tục tại F88 nhanh và đơn giản, chỉ cần đi xe máy ra cửa hàng, đưa cà vẹt xe máy và chứng minh nhân dân cùng tên là được duyệt vay. Anh thấy nó thuận tiện, lại đang cần tiền để xoay sở mấy thứ gấp nên vay hơn 15.700.000 đồng trong 12 tháng với thông tin lãi suất được nhân viên tư vấn rất thấp. Đến ngày trả tiền hằng tháng mới thấy những điều vô lý. Trong phần tiền lời của họ (F88) kê nhiều chi phí vay rất vô lý và cao khủng khiếp.
Anh N.T cung cấp cho chúng tôi bảng thống kê số tiền phải trả hằng tháng. Cụ thể, kỳ trả tiền đầu tiên vào tháng 12/2021, tiền gốc phải trả chỉ là hơn 800.000 đồng nhưng chi phí vay lên đến hơn 1.200.000 đồng. “Lúc nhân viên tư vấn, anh hỏi chi phí vay là cái gì thì câu trả lời là tiền lời. Tính ra, tiền lời gấp 150% tiền gốc. Tháng tiếp theo, tiền lời là hơn 1.150.000 đồng, trong khi tiền gốc chỉ gần 900.000 đồng, lãi là 127%. Phần trăm lãi này sẽ giảm dần đến tháng cuối cùng còn 6,3%. Ban đầu anh cũng không để ý lắm, bây giờ lấy ra xem lại mới biết”.
Anh tiếp tục lấy ra các phiếu thu hằng tháng để chỉ rõ những thủ thuật rúc rỉa túi tiền người vay một cách tinh vi. Họ bảo lãi thấp nhưng thực chất là rất cao, nó thể hiện tất cả trong phần lý do nộp: “Đóng lãi vay cho hợp đồng số….”, trong đó bao gồm 4 khoản: Thứ nhất là Trả tiền lãi trong hạn. Thứ hai là Phí thẩm định điều kiện cho vay. Thứ ba là Phí quản lý tài sản cầm cố. Thứ tư là Thuế.
Anh N.T phân tích, so từng tháng, 4 khoản lãi phải trả này đều khác nhau. Như phiếu thu tháng 9 lần lượt là: 55.000 đồng, 70.000 đồng, 250.000 đồng và 35.000 đồng, tổng là 410.000 đồng. Sang tháng 10, tương ứng là: 36.000 đồng, 46.000 đồng, 167.000 đồng và 25.000 đồng, tổng là 274.000 đồng. “Tôi vay tổng là hơn 15.700.000, thực lãnh 14.000.000 đồng. Tôi phải trả hơn 24.500.000 đồng rồi. Tính ra, chênh lệch thực lãnh và phải trả là 11.500.000 đồng. Vượt xa mức lãi suất cho phép là 20%/năm. Nếu tính, theo trả góp và theo lãi suất của chính F88 đưa ra thì vượt quá 100%”, anh N.T nói rồi cảm thán.
“Họ ác lắm! Mình ở thành phố lớn, cũng gọi là có chút kiến thức nhất định mà còn bị họ hút kiểu này. Người ở quê hay người dân túng quẫn khác, cứ nghĩ vay tiền lãi suất thấp như họ nói thì cuối cùng phải trả một khoản quá lớn. Có thể vài triệu đồng là nhỏ với những người có tiền, nhưng người nghèo, vài trăm nghìn đã là rất lớn. Họ làm vậy khác nào chị Dậu bán con, bán chó nhưng bị Nghị Quế ăn chặn trên đầu trên cổ, đẩy người dân vào cảnh bần cùng?!”.
Theo thông tin báo Ngày Nay tổng hợp :
Theo danh sách các tổ chức tín dụng mà phía Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho Ngày Nay, Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 không phải là tổ chức tín dụng được cấp phép.
Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 (Công ty F88) được thành lập năm 2013, do Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cấp giấy phép hoạt động, trụ sở chính đặt tại Toà nhà N01A, số 275 Nguyễn Trãi, P.Thanh Xuân Trung, Q.Thanh Xuân, Hà Nội. Ông Phùng Anh Tuấn (SN 1984) là Tổng Giám đốc, đại diện pháp luật. Vốn điều lệ tính đến tháng 10/2022 là hơn 566 tỷ đồng. Loại hình doanh nghiệp là Công ty cổ phần chưa đại chúng. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính là: Dịch vụ cầm đồ.
Link bài viết từ báo điện tử Ngày Nay »