Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (36 tuổi, TPHCM) cho biết nhận được quá nhiều cuộc gọi sáng 1/6 sau khi thông tin doanh nghiệp của ông được đăng ký thành lập với vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng xuất hiện trên truyền thông. Ông Quốc Anh là cổ đông lớn nhất chiếm 99,99% vốn, đăng ký góp 499.998 tỷ đồng vào GATIG.
Nếu các cổ đông sáng lập góp đủ vốn, doanh nghiệp nói trên sẽ là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam, vượt mặt các doanh nghiệp Nhà nước “sếu đầu đàn” như PVN, EVN, Viettel hoặc các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn như Vingroup. Tổng vốn điều lệ của 10 ngân hàng lớn nhất cả nước là hơn 444.000 tỷ đồng cũng chưa bằng doanh nghiệp chưa tròn nửa tháng tuổi này.
Ngoài doanh nghiệp trên, nhân vật 36 tuổi này còn mới lập một công ty có vốn điều lệ “khủng” 25.000 tỷ đồng. Tại đây, ông Quốc Anh cũng là người chi phối với số vốn góp đăng ký 23.000 tỷ đồng, tương đương 92% cổ phần. Ông là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật cả hai công ty này.
Hiện hai công ty vốn “khủng” của ông Quốc Anh đăng ký trụ sở lần lượt ở tầng 46 tòa nhà Bitexco (quận 1) và tầng 72 tòa nhà Landmark 81 (quận Bình Thạnh). Hai địa điểm này đang được một doanh nghiệp cho thuê văn phòng ảo khai thác. Khi sử dụng dịch vụ văn phòng ảo, doanh nghiệp không có không gian làm việc thực tế nhưng vẫn có địa chỉ đăng ký kinh doanh.
Ông Quốc Anh cũng chia sẻ đang làm việc tại nhà trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát.
Trao đổi với phóng viên sáng nay (1/6), ông Quốc Anh cho biết con số vốn trên là “bình thường, thật ra còn hạn chế, còn ít, đừng nghĩ nó cao”. “Số tiền này với tụi tôi cũng chả là gì. Câu chuyện của tôi là người thật việc thật, không có như mấy người đăng ký vốn ảo đâu”, ông Quốc Anh nói qua điện thoại.
Ông chủ 36 tuổi giải thích, công ty vốn 25.000 tỷ đồng chuyên về công nghệ với sản phẩm giúp khách hàng doanh nghiệp chuyển đổi số. Còn doanh nghiệp vốn đăng ký 500.000 tỷ đồng là công ty đầu tư vào các startup. Ông Quốc Anh còn cho hay tập đoàn của ông có tới… 17 công ty.
Ông này chia sẻ định hướng của ông là “toàn cầu hóa, không chỉ ở Việt Nam mà còn đầu tư ra nhiều nước, nên có số vốn lớn như vậy”. Ông hồ hởi khoe tập đoàn của mình “áp dụng công nghệ tự động 5.0, đi nhanh hơn thị trường, nên chỉ cần sau vài tháng là có doanh thu “khủng”, không cần mất đến một vài năm như các doanh nghiệp khác”.
“Tập đoàn của chúng tôi là toàn cầu. Tôi đang làm việc với nhà đầu tư nước ngoài lớn ở New York, Dubai. Ở trong nước, chúng tôi cũng làm việc với các tập đoàn lớn, ngân hàng”, ông chủ 36 tuổi của công ty vốn 500.000 tỷ đồng khẳng định.
Nhân vật này cũng khẳng định đã tính toán kỹ, cân nhắc trước khi đăng ký tư cách pháp nhân. “Chuyện 3 tháng phải góp đủ vốn, bọn tôi tính hết rồi. Trong tháng này, chúng tôi sẽ làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, trong nước, làm sao đưa nguồn tiền về đủ con số đăng ký”, ông nói với phóng viên.
Khi phóng viên đề nghị gặp trực tiếp để tìm hiểu thêm về công ty, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh từ chối với lý do ngại tiếp xúc với người ngoài trong thời điểm dịch bệnh. CEO này cũng cho biết vẫn đang trong thời gian hoàn chỉnh sản phẩm nên chưa thể trình làng ngay.
Phải góp đủ vốn trước ngày 18/8
Theo Luật sư Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty Luật Kinh Luân, Luật Doanh nghiệp cho phép các cổ đông sáng lập công ty có quyền tự do đăng ký vốn góp khi thành lập doanh nghiệp. Việc góp vốn đủ hay không sẽ được hậu kiểm.
Trong thời hạn 90 ngày sau khi thành lập pháp nhân, các cổ đông không góp vốn đúng cam kết, doanh nghiệp phải giảm vốn điều lệ. Nếu không, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh có thể xử phạt hành chính.
“Trong 90 ngày đó, nếu pháp nhân thực hiện giao dịch với bên thứ 3 và phát sinh nghĩa vụ nhưng không có khả năng thực hiện thì các cổ đông sáng lập có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đó. Luật mở nhưng cũng ràng buộc nghĩa vụ của cổ đông góp vốn”, Luật sư Đức chia sẻ với phóng viên.
Với công ty GATIG, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh và cộng sự phải góp đủ vốn 500.000 tỷ đồng trước ngày 18/8.
Về trường hợp các công ty có vốn điều lệ “khủng” trên, đại diện Cục Đăng ký Kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đang đề nghị phía Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM rà soát lại hồ sơ đăng ký doanh nghiệp để đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
“Việc đăng ký kinh doanh và số vốn bao nhiêu là quyền của mỗi pháp nhân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tôn trọng quyền khởi sự kinh doanh của mỗi cá nhân, pháp nhân. Tuy nhiên, người đăng ký kinh doanh phải thực hiện và đảm bảo thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật và sẽ bị ràng buộc bởi các quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến đầu tư tại Nghị định số 50”, đại diện cơ quan này cho hay.
Không phải đến khi thông tin về một doanh nghiệp vốn 500.000 tỷ đồng xuất hiện, trước đó, tháng 1/2020, một doanh nghiệp thành lập tại Hà Nội cũng gây xôn xao khi đăng ký vốn “khủng” 144.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 90 ngày, các cá nhân thành lập pháp nhân này đã hủy đăng ký doanh nghiệp.
Theo Dân trí