Search
Last updated on 26/04/2024 at 10:52 PM

NFT (Non-Fungible Token) là gì ? Ứng dụng của nó trong đời sống

NFT (Non-Fungible Token) đang trở nên phổ biến và nhận được nhiều sự quan tâm cùng với sự phát triển của công nghệ và sự phổ biến của khái niệm Vũ trụ ảo. Vậy NFT là gì ?

NFT (Non-Fungible Token) là gì ?

NFT, viết tắt của Non-Fungible Token (tài sản không thể thay thế), là một nội dung số (digital content) được xây dựng trên hệ thống chuỗi khối – blockchain (Reuters, 2021), tương tự như Bitcoin hay Ethereum.
Các loại tiền điện tử là tài sản “Fungible”có khả năng thay thế và trao đổi được. Chúng ta có thể đổi 1 đồng Bitcoin lấy 1 đồng Bitcoin khác, đổi tờ 100.000 VND lấy tờ 100.000 VND khác, giá trị của tài sản không có sự khác biệt. Tuy nhiên, khi đổi NFT này lấy một NFT khác, ta đã sở hữu một “tài sản” có giá trị hoàn toàn khác tài sản ban đầu. Mỗi NFT là duy nhất!

Bản thân NFT không phải là một tài sản vật lý, không thể cầm nắm được, mà là một loại mã hoá để lưu trữ và giao dịch trên thế giới số. Nói cách khác, NFT là một “dữ liệu” chứa thông tin nhận dạng và xác minh tài sản được lưu giữ trên blockchain, mỗi “mã” đại diện cho một tài sản. Vậy nên, khi “mua” một bức tranh NFT, không có nghĩa là bạn mang một bức tranh về treo ở phòng khách, mà bạn đã “mua” quyền sở hữu của tác phẩm đó.

Ứng dụng của loại tài sàn số này ?

“Ai cũng có thể xem hoặc tải bức tranh miễn phí từ trên Internet. Vậy tại sao có người lại bỏ ra hàng đống tiền để mua nó?”

Một cách đơn giản, hãy nghĩ đến bức tranh Mona Lisa của hoạ sĩ Leonardo de Vinci. Chúng ta hoàn toàn có thể ngắm nàng Mona Lisa chỉ với vài thao tác tìm kiếm, hoặc thậm chí in ra, sao chép, vẽ lại… Nhưng chỉ duy nhất bức tranh gốc được trưng bày tại Viện bảo tàng Louvre mới là bản chính và có giá trị (lên đến 700 triệu USD).

Tác phẩm “Hoa mai may mắn” của hoạ sĩ Xèo Chu trên sàn Binance NFT
Tác phẩm “Hoa mai may mắn” của hoạ sĩ Xèo Chu trên sàn Binance NFT

Tương tự như thế, giá trị của NFT không nằm ở sản phẩm sưu tầm, mà là ở quyền sở hữu độc quyền của chúng, được đảm bảo và chứng nhận bởi chuỗi mã blockchain. Một người có thể tạo ra các NFT từ các sản phẩm kỹ thuật số, bán nó; các hoạt động, giao dịch, chuyển nhượng đối với NFT đều được ghi lại trên một sổ cái công khai và phi tập trung. Bất kỳ ai cũng có thể xác minh, truy xuất nguồn gốc và quyền sở hữu của tài sản, nhờ đó tránh được việc đạo nhái, làm giả, hay việc bỗng dưng tác giả bị “đánh gậy bản quyền” một bên nào đó.

NFT có thể được ứng dụng đa dạng trong nhiều lĩnh vực, trong nghệ thuật (âm nhạc, video, tranh ảnh…), trò chơi điện tử (giao diện, vật phẩm game)… với bất cứ sản phẩm có thể tồn tại dưới dạng kỹ thuật số.
Công nghệ chuỗi khối và NFT tạo điều kiện cho những người sáng tạo nội dung cơ hội để kiếm tiền từ sản phẩm của họ mà không phải qua bên thứ ba, nhờ đó, họ cũng trở nên “quyền lực” hơn với sản phẩm của mình. Game thủ có thể chơi game, chế tạo, trao đổi các vật phẩm và bán chúng; những bài hát, album đến với người nghe mà không phải qua Spotify, iTunes… điều này cho phép họ giữ được nhiều lợi nhuận hơn. Bên cạnh đó, người sáng tạo cũng có thể được trả tiền bản quyền bất cứ khi nào sản phẩm của họ được bán lại cho chủ sở hữu mới.

Đối với người mua, đây là cơ hội để bạn có thể sưu tầm những sản phẩm độc đáo, giới hạn mà bạn muốn. Bạn có toàn quyền sử dụng, khai thác nó, hoặc thậm chí là bán lại; khác với khi bạn “mua” nhạc trên các nền tảng, bạn chỉ được quyền thưởng thức chứ không thể bán hay chuyển nhượng.

Theo EUH.EDU.VN

4.8/5 - (6 votes)
Facebook
Twitter
Pinterest
Telegram
Email
Print

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Dark mode
GIẢM GIÁ 50% SHOPEE