Không trả nợ khoản vay ở FE hay Mcredit có làm sao không ?
Do thời điểm Covid 19 khó khăn, các khoản nợ trả hàng tháng của tôi khi mua trả góp xe máy trước đó ở FE đang bị kẹt.
Tôi thấy trên Facebook có một số hội nhóm hướng dẫn bùng nợ ở FE và mấy công ty tài chính cho vay, tôi không hiểu nếu bỏ nợ không trả nữa có ảnh hưởng hay bị truy cứu gì không?
Gần đây tôi có nhận được một số cuộc gọi tin nhắn hối thúc thập chí đe dọa phải trả các khoản nợ không sẽ nhận hậu quả, tôi phải xử lý thế nào ?
Share
ĐỐI VỚI NGƯỜI VAY
Người đi vay, đối với những hành vi dùng thông tin giả (CMND giả, sim giả,…) để vay công ty tài chính, các app vay tiền online rồi trốn nợ, Luật sư Đỗ Thành Trung cho biết đây là những hành vi có dấu hiệu của việc lừa đảo (sử dụng giấy tờ giả) nhằm chiếm đoạt tài sản (ở đây là tiền vay) của các tổ chức tín dụng, app vay tiền. Vì vậy hành vi trên có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015, có thể bị phạt tù cao nhất đến 20 năm.
Đối với những khách hàng vay công ty tài chính mà không trả được nợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chủ động liên hệ để được hỗ trợ. Hiện một số công ty tài chính đã thực hiện chương trình cung cấp các sự lựa chọn cho khách hàng như tái cơ cấu khoản vay, hoãn thanh toán cũng như miễn các khoản phí trả chậm.
Liên quan đến vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/03/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 và mới đây nhất là Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020.
ĐỐI VỚI ĐƠN VỊ, TỔ CHỨC CHO VAY
Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu các đối tượng, tổ chức đứng sau các app cho vay tiền dính tới việc cho vay với lãi suất cao, “khủng bố” người vay thì có thể bị xử lý về tội “Tội cho vay lãi nặng” quy định tại Điều 201 BLHS 2015. Theo đó có thể bị phạt 30 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 3 năm.
Ngoài ra, đối với hành vi gọi điện đe dọa, tung tin sai, bôi nhọ danh dự người vay để gây áp lực… có thể bị xem xét truy tố về tội “làm nhục người khác” theo Điều 155 BLHS 2015 hoặc tội “Đe dọa giết người” theo quy định tại Điều 133 BLHS 2015 tùy thuộc vào từng hành vi cụ thể mà cơ quan công an sẽ điều tra làm rõ để xem xét xử lý.
Luật sư Đỗ Thành Trung – Giám đốc công ty luật Newkey