Outline
ToggleQuy hoạch đến năm 2030, tỉnh Bạc Liêu có ngành Du lịch phát triển bền vững với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và chuyên nghiệp; là một trong những trung tâm du lịch của khu vực ĐBSCL cả về quy mô và chất lượng.
Thời gian qua, du lịch Bạc Liêu có bước phát triển đáng kể, các chỉ tiêu về du lịch tiếp tục tăng trưởng, vị thế của du lịch Bạc Liêu từng bước được khẳng định trong khu vực. Ước tính, đến hết năm 2022, tổng thu du lịch toàn tỉnh đạt 3.200 tỉ đồng, tăng hơn 1,5 lần so với năm 2018, đón tiếp khoảng 3,6 triệu lượt khách, tăng hơn 2 lần so với năm 2018. Bạc Liêu tiếp tục nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có tổng thu dịch vụ du lịch và lượng khách du lịch nhiều nhất vùng ĐBSCL. Bạc Liêu đang dần định hình trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL và đang từng bước khẳng định vai trò của 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế- xã hội theo tinh thần Nghị quyết ĐH Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI đã xác định.
Đồng thời, cụ thể hoá Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 17.12 của BCH Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu khóa XV về “Tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Hiện trạng phát triển du lịch tỉnh Bạc Liêu
1- Thị trường khách du lịch
Theo tổng họp báo cáo của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đến năm 2019 (trước thời điểm dịch Covid- 19) tổng lượng khách đến Bạc Liêu là 2.542.700 lượt khách (đứng thứ 5 khu vực ĐBSCL); tổng thu du lịch Bạc Liêu là 2.308 tỷ đồng, đứng thứ 5 của khu vực ĐBSCL, xếp sau các tỉnh, thành gồm: tỉnh Kiên Giang, TP. cần Thơ, tỉnh An Giang và tỉnh Cà Mau).
Trong giai đoạn 2015 – 2019, tỷ trọng này đang có xu hướng tăng lên. Có thể thấy, ngành du lịch vẫn chưa khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch để trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, trong bối cảnh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện có tới 09 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận (chiếm 21,42% toàn khu vực).
1.1- Khách du lịch
Trong giai đoạn 2010 – 2019, số lượng khách nội địa đến Tỉnh Bạc Liêu năm tăng đều qua các năm và đạt mức trên 3,3 triệu lượt năm 2019 (bao gồm, 700 nghìn khách nghỉ qua đêm và trên 2,6 triệu khách trong ngày), tăng gấp 3 lần so với số liệu được ghi nhận vào năm 2010. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng tổng lượt khách du lịch đến tỉnh vẫn đạt trên 3 triệu, vượt mục tiêu Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Số 213/QĐ-UBND ngày 3/2/2016).
1.2- Thị trường khách du lịch
Hiện chưa có thị trường mang tính chiến lược cho du lịch Bạc Liêu. Trong giai đoạn 2005 – 2020, không có thị trường nào vượt quá 10% trong tổng số khách quốc tế đến Bạc Liêu. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả các chiến lược marketing của du lịch Bạc Liêu.
– Khách nội địa: Đa số khách du lịch nội địa của Bạc Liêu đến từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
– Khách quốc tế: Thị trường khách du lịch quốc tế đến Bạc Liêu bao gồm Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Tây Âu, Úc. Cơ cấu nguồn khách quốc tế chủ yếu là Hoa Kỳ, các nước Đông Nam Á và một số nước ở khu vực Tây Âu. Tuy nhiên, có một tín hiệu tốt là bắt đầu có sự phục hồi của một nhóm các thị trường lớn của du lịch Việt Nam là thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ và Úc.
Vì vậy, việc quảng bá du lịch và tạo sức hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch, phù hợp với sở thích của du khách là vấn đề mà ngành du lịch địa phương cần phải quan tâm hơn nữa.
2- Hệ thống các điểm du lịch, tuyến du lịch
2.1 Các điểm du lịch
Giai đoạn 2011 – 2020, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư nâng cấp. Đến năm 2020, trên địa bàn Tỉnh Bạc Liêu có 09 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận (chiếm 21,42% toàn khu vực), bao gồm:
- Đền thờ Bác Hồ – Xã Châu Thới, Huyện Vĩnh Lợi
- Khu du lịch sinh thái Hồ Nam – Số 2, Trần Quang Diệu, Phường 1, TP. Bạc Liêu
- Khu Quảng trường Hùng Vương – Phường 1, TP. Bạc Liêu
- Khu Lưu niệm Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu – Đường Cao Văn Lầu, Phường 2, TP. Bạc Liêu
- Khu Nhà Công tử Bạc Liêu – Số 13, Đường Điện Biên Phủ, Phường 3, TP. Bạc Liêu
- Khu Biển nhân tạo – Khu du lịch Nhà mát – Đường Bạch Đằng, Phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu.
- Khu Quán âm phật đài (Phật bà Nam Hải) – Khóm Bờ Tây, Phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu
- Cánh đồng điện gió Bạc Liêu – Xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu
- Cùng với hệ thống nhà hàng – Khách sạn
Ngoài các điểm du lịch tiêu biểu cấp khu vực, Bạc Liêu còn có nhiều khu di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Hiện nay, toàn tỉnh có tổng số 46 di tích được xếp hạng, trong đó có 13 di tích cấp quốc gia.
2.2- Các tuyến du lịch
Không chỉ nâng cấp các điểm du lịch, trong thời gian qua, Bạc Liêu đã hình thành được một số tuyến du lịch khá hấp dẫn kết nối các điểm du lịch này, cụ thể:
* Các tuyến nội tỉnh gồm:
– Tham quan Nhà Công tử Bạc Liêu nghe kể về giai thoại Hắc Công tử – viếng Chùa Ông, Chùa Bà (hai ngôi chùa đặc trưng của người Hoa) – tham quan Khu Biển Nhà Mát Hiệp Thành – Phật Bà Nam Hải – Chùa Xiêm Cán (chùa tiêu biểu của người Khmer) – Vườn nhãn – Vườn chim Bạc Liêu.
– Tham quan Tháp Cổ Vĩnh Hưng (di tích kiến trúc nghệ thuật nền văn hóa Óc Eo) – Khu di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng (nơi xảy ra cuộc chiến đẫm máu giữa người nông dân với bọn địa chủ thực dân Pháp cướp ruộng đất) – tham quan Ruộng muối Kinh Tư, Cửa Biển, Cảng cá Gành Hào.
– Tham quan Chùa Quan Đế (ngôi chùa đặc trưng của người Hoa) – viếng Chùa Bà, Cửu Thiên cổ miếu – tham quan Tịnh xá Ngọc Liên – đi Nhà Mát viếng Phật Bà Nam Hải.
– Tham quan khu Phật Bà Nam Hải – Vườn Nhãn Bạc Liêu – viếng Chùa Xiêm Cán – tham quan Nhà Công Tử Bạc Liêu – Mộ cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Tịnh xá Ngọc Liên – tham quan Vườn chim, vào rừng tìm hiểu sinh hoạt của những loài chim quý hiếm.
* Các tuyến ngoại tỉnh gồm:
– Tuyến du lịch xuyên tâm: Những nẻo đường phù sa (Tp. Hồ Chí Minh – Long An – Tiền Giang – Vĩnh Long – Cần Thơ – Hậu Giang – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau).
– Tuyến du lịch hành lang ven biển phía Nam: Non nước hữu tình (Thành phố Hồ Chí Minh – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Cần Thơ – Bạc Liêu – Cà Mau).
3- Cơ sở vật chất phục vụ du lịch
3.1- Kết cấu hạ tầng các điểm du lịch: Trong giai đoạn 2011 – 2020, kết cấu hạ tầng các điểm du lịch của Bạc Liêu đã được đầu tư, cơ sở vật chất được cải thiện, cụ thể:
– Đền thờ Bác Hồ: diện tích 45.000m2, đã được trùng tu năm 2012.
– Khu du lịch sinh thái Hồ Nam: diện tích 18.000m2. Khu du lịch này được hoàn thiện năm 2013, gồm tổng cộng 35 phòng; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư theo tiêu chuẩn khu nghỉ dưỡng chuẩn 3 sao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Khu Quảng trường Hùng Vương: được xây dựng năm 2013 và khánh thành năm 2014. Diện tích khu quảng trường là hơn 85.000m2, đây không chỉ là nơi vui chơi mà còn là nơi tổ chức các sự kiện lớn của tỉnh. Khu vực quảng trường bao gồm nhiều công trình kiến trúc được bố trí thành một quần thể hài hòa, có tính thẩm mỹ cao và độc đáo, tạo điểm nhấn cho không gian đô thị của Thành phố Bạc Liêu. Trong khuôn viên quảng trường còn có Trung tâm triển lãm văn hóa – nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu.
Khu Lưu niệm Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu: địa chỉ tại Đường Cao Văn Lầu, Phường 2, TP. Bạc Liêu. Diện tích 12.500m2. Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu được xem là một “bảo tàng” của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, là nơi khẳng định vị thế của bản Dạ cổ Hoài lang và tôn vinh tài hoa của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Khu lưu niệm được đầu tư xây dựng mở rộng năm 2013. Cuối năm 2020, khu lưu niệm đã được công nhận là sản phẩm du lịch OCOP 4 sao.
Khu Nhà Công tử Bạc Liêu: Ngôi nhà được xây dựng vào khoảng năm 1919 do kỹ sư người Pháp thiết kế và tất cả vật liệu để xây dựng đều được đưa từ Pháp qua, đây là ngôi nhà bề thế nhất ở Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ. Dù được xây dựng từ khá lâu nhưng đến nay khu nhà vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, giữ được vẻ đẹp sang trọng, xa hoa. Hiện nay một phần khu nhà đã được trùng tu, cải tạo thành khu vực nhà hàng, khách sạn cao cấp.
Khu Biển nhân tạo – Khu du lịch Nhà mát: diện tích trên 21.000m2. Khu du lịch là một trong những khu vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng có quy mô lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, gồm 3 khu: khu trung tâm thương mại và khách sạn; khu du lịch – dịch vụ; khu công viên và dịch vụ công cộng đáp ứng nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng của nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi khác nhau.
Khu Quán âm phật đài: được xây dựng từ năm 1973, gần cửa biển Nhà Mát – một công trình kiến trúc, văn hóa, tâm linh nổi tiếng ở Bạc Liêu. Đặc điểm thu hút du khách tại đây là tượng Phật Bà cao 11m đứng uy nghi giữa một khoảng không gian thoáng đãng hướng nhìn ra Biển Đông. Du khách đến đây sẽ cảm nhận được sự bình yên tỏa lan từ khuôn mặt dịu hiền, phúc hậu của Phật Bà.
Cánh đồng điện gió Bạc Liêu: đây là khu điện gió Bạc Liêu, là dự án điện gió đầu tiên ở Việt Nam, được xây dựng từ năm 2010. Hiện nay đã có 62 cột tháp và turbin đều đặt trên biển, được kết nối trên mặt đất bằng bê tông tạo thành một phong cảnh đẹp và ấn tượng.
Ngoài các điểm du lịch tiêu biểu này, trong thời gian qua, tỉnh cũng đã tập trung triển khai hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo và phát huy tốt giá trị các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng để phục vụ tham quan du lịch, điển hình như Đền Thờ Bác Hồ, Khu căn cứ Tỉnh ủy, Khu Lưu niệm Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu, Tháp cổ Vĩnh Hưng, Đình Tân Long, Đồng hồ Thái Dương học, Kh di tích Nọc Nạng, Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh, Phủ thờ dòng họ Cao Triều, Lăng Ông Duyên Hải, Lăng Ông Nam Hải… Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác trùng tu, phục dựng kiến trúc tiêu biểu của các cơ sở thờ tự của mỗi tôn giáo, tạo điểm tham quan, đưa kết nối tour tuyến phục vụ khách du lịch như Miếu Quan Đế, Miếu Tiên Sư, Chùa Giác Hoa, Chùa Xiêm Cán…
Hiện nay, Bạc Liêu cũng đang tiến hành khảo sát và xây dựng khu nhà thờ Tắc Sậy và Vườn chim Bạc Liêu để hoàn thiện đề nghị công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của khu vực ĐBSCL.
3.2- Kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch
Kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm đầu tư. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 180 cơ sở lưu trú, với hơn 2.900 phòng. Trong đó, có khoảng 31 khách sạn đạt tiêu chuẩn “sao” phục vụ khách du lịch (03 khách sạn 3 sao, 08 khách sạn 2 sao, 20 khách sạn 1 sao).
Tuy nhiên, phát triển mạng lưới cơ sở lưu trú và cơ sở ăn uống không đạt được mục tiêu quy hoạch đặt ra là có 8% cơ sở lưu trí 3 – 5 sao (thực tế chỉ đạt 1,7%), mục tiêu quy hoạch là 40% khách sạn từ 2 sao trở lên (thực tế chỉ đạt 6,1%).
Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bạc Liêu đến 2030
1- Định hướng phát triển Khu du lịch
Phát triển du lịch Bạc Liêu trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh; chú trọng phát triển doanh nghiệp du lịch. Tăng cường kết nối ngành du lịch Bạc Liêu với các trung tâm du lịch tại Thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh và các trung tâm khác trên cả nước để tạo thương hiệu và khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Tăng cường khai thác dịch vụ du lịch kết hợp với các dự án điện gió. Quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng các điểm du lịch đã được quy hoạch; tích cực mời gọi đầu tư, phát triển các khu, tuyến du lịch sinh thái ven biển, các dự án kết hợp điện gió với du lịch; các dự án xây dựng khu quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp ven biển…; khuyến khích doanh nghiệp nâng cấp, mở rộng các cơ sở du lịch hiện có và triển khai mới các dự án về du lịch, nhất là các dự án về lưu trú, lữ hành, thương mại, vận tải; phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch cấp vùng; khuyến khích phát triển, nâng cấp các cơ sở dịch vụ du lịch, chất lượng phục vụ du khách và tăng cường công tác bảo vệ môi trường; quản lý, khai thác, tổ chức tốt các dịch vụ du lịch gắn với truyền thống lịch sử – văn hóa của địa phương.
Dự kiến, diện tích đất dành cho phát triển khu du lịch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 3.000-5.000 ha.
2- Phát triển không gian du lịch
Không gian du lịch tiếp tục mở rộng, tạo tiền đề thuận lợi cho hoạt động du lịch phát triển, thu hút các nhà đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù theo hướng sau:
– Không gian du lịch trung tâm thành phố Bạc Liêu: có các sản phẩm du lịch đặc trưng gồm: khu di tích Công tử Bạc Liêu, Quảng trường Hùng Vương, =trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu, các di tích lịch sử, nhà cổ, chùa cổ, các địa điểm hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, ẩm thực; du lịch sinh thái trên các tuyến sông.
– Không gian trục hướng biển: là không gian chuyển tiếp giữa không gian du lịch trung tâm thành phố Bạc Liêu với không gian trục ven biển thành phố Bạc Liêu với địa điểm khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, khu Du lịch sinh thái Vườn chim Bạc Liêu.
– Không gian trục ven biển thành phố Bạc Liêu: có khu du lịch tổng hợp Nhà Mát nới các điểm du lịch nổi bật như Vườn nhãn (giồng nhan), Chùa Xiêm Cán, khu điện gió, khu du lịch Nhà Mát, Quán âm Phật đài, Thiền viện Trúc Lâm, khu Nông nghiệp công nghệ cao Bạc Liêu…, đây là không gian định hình phát triển thành khu du lịch quốc gia.
– Không gian vành đai sinh thái ven biển: nằm dọc theo tuyến đường ven biển từ giáp ranh thành phố Bạc Liêu đến cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải), với trọng tâm là du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng cư dân ven biển kết hợp với tham quan các nhà máy điện gió ven biển, trải nghiệm các nghề truyền thống như làm muối, đánh bắt chế biến thủy hải sản truyền thồng.
– Không gian trục Giá Rai – Đông Hải: là nơi tham quan các di tích văn hóa, lịch sử, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái sông nước, du lịch sinh thái kết hợp với tham quan các vườn chim, lịch cộng đồng, du lịch vãn hóa lễ hội, ẩm thực…
– Không gian trục Vĩnh Lợi – Hồng Dân – Phước Long: phát triển không gian du lịch với các sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp sinh thái sông nước theo tuyến kênh từ thành phố Bạc Liêu đi Vàm Lẽo, từ thành phố Bạc Liêu đi Ngan Dừa, tuyến kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp; du lịch kết hợp với tham quan các di tích văn hóa, lịch sử và tham quan, trải nghiệm các làng nghề…
3- Phương án phát triển du lịch Bạc Liêu
3.1- Phương hướng phát triển:
Với số dân gần 1 triệu người vào năm 2030, mục tiêu phấn đấu hàng năm thu hút 9-10 triệu lượt khách du lịch và trở thành ngành kinh tế quan trọng, đòi hỏi ngành du lịch Bạc Liêu phải được đầu tư lớn, đồng bộ về mọi mặt như nhân lực, sản phẩm, hạ tầng du lịch
Phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn của Bạc Liêu để thu hút nhiều du khách đến và có nhiều ấn tượng tốt đẹp về con người và thiên nhiên Bạc Liêu.
Du lịch văn hóa gắn với khai thác giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ với Bản Dạ cổ hoài lang nổi tiếng của Nhạc sĩ Cao Văn Lầu là di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Trên nền tảng của nghệ thuật truyền thống cần có những sản phẩm sáng tạo, độc đáo hấp dẫn, kết hợp thưởng thức nghệ thuật với thưởng thức ẩm thực truyền thống, thăm quan, mua sắm…tạo nên sản phẩm du lịch đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của khu vục Đồng bằng sông Cửu Long.
Du lịch thăm quan di tích Công tử Bạc Liêu, du lịch thăm quan các công trình văn hóa tâm linh như chùa Quan âm Phật Đài, Nhà thờ Tắc Sậy, Chùa Hưng Thiện, Chùa Xiêm Cán, Thiền viện Trúc Lâm…,làm phong phú nhu cầu thưởng thức tại các điểm di tích, tránh đơn điệu gây nhàm chán, đồng thời tạo thành chuỗi liên kết sản phẩm du lịch với các khu, điểm du lịch khác của tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Du lịch tham quan Quảng trường Hùng Vương và các công trình văn hóa, nghệ thuật xung quanh Quảng trường, trung tâm Triển làm văn hóa nghệ thuật tỉnh và Nhà hát Cao Văn Lầu. Du lịch gắn với công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, các di sản văn hóa, nghệ thuật, các lễ hội truyền thống, văn hóa ẩm thực độc đáo của cộng đồng dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Trong đó, mục tiêu quan trọng là tập trung công tác bảo tồn, phát huy và khai thác phát triển du lịch tại di tích lịch sử như Di tích cấp quốc gia Khu Căn cứ Cái Chanh, Di tích Kiến trúc Tháp cổ Vĩnh Hưng, Di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng…, các Lễ hội truyền thống như Dạ cổ hoài lang, Quán Âm Phật đài, Nghinh ông…
Du lịch tham quan điện gió, thăm quan rừng ngập mặn ven biển, khai thác nét đẹp khác biệt đặc trưng cảnh quan của các nhà máy điện gió dọc bờ biển Bạc Liêu, kết hợp thăm quan hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, thưởng thức ẩm thực biển bạc Liêu với các món ăn có nguồn gốc thiên nhiên. Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng kết hợp tham quan các vườn chim, vườn cò.
Du lịch cộng đồng cư dân biển, với ý nghĩa thăm quan cuộc sống,“miệt đồng quê”, ẩm thực của cư dân sông nước ven biển Bạc Liêu, với mô hình cánh đồng lúa, tôm, cá, cây ăn trái, mô hình thôn ấp của cư dân biển
Du lịch Biển – Đảo: trên cơ sở khai thác các tuyến hàng hải kết nối Bạc Liêu với Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vung Tàu, Phú Quốc, Hòn Trứng, Côn Đảo, Hòn Khoai, Cà Mau… theo đường biển qua cảng Gành Hào và cảng Nhà Mát sẽ hình thành các sản phẩm du lịch nghi dưỡng, tham quan biển – đảo.
Ngoài các sản phẩm du lịch trực tiếp, nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch trực tuyến, trên cơ sở sử dụng công nghệ số trong tất cả các quy trình và chuỗi sản phẩm du lịch, bao gồm lữ hành, khách sạn và phục vụ ăn uống, vận chuyển… để các đơn vị, tổ chức du lịch phát huy tối đa hiệu suất và hiệu quả hoạt động. Đây là hình thức du lịch ngày càng trở lên phổ biến cùng với sự phát triển của công nghệ số.
* Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch Bạc Liêu giai đoạn 2021 – 2030:
Khuyến khích đầu tư nâng cấp đồng bộ các điểm du lịch hiện có, tạo thêm các dịch vụ phù hợp với thị hiếu lành mạnh của du khách; xây dựng thêm 15-20 điểm du lịch mới trong thời gian từ nay đến năm 2030. Đầu tư Khu du lịch tổng hợp Nhà Mát đáp ứng các điều kiện trình phê duyệt bổ sung vào danh mục các khu vực có tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia trước năm 2025 và đủ điều kiện đề nghị công nhận là khu du lịch quốc gia trước năm 2030. Tu bổ, bảo tồn các di tích lịch sử, di tích văn hoá, các điểm du lịch, các làng nghề hiện có trên địa bàn tỉnh trở thành các điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch.
Phát triển du lịch tỉnh Bạc Liêu trở thành ngành kinh tế quan trọng, có tính chuyên nghiệp với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, cạnh tranh được với các sản phẩm du lịch của vùng, của các nước trong khu vực và thế giới.
3.2- Mục tiêu phát triển
- Tổng số khách du lịch đến 2030 đạt 9 – 10 triệu người
- Tổng thu từ du lịch đến 2030 đạt 2800 tỷ đồng
- Số buồng lưu trú đạt 6000 phòng
- Lao đọng ngành du lịch đạt 50.000 người
- Điểm du lịch đến năm 2030 có 20 điểm
- Khu du lịch nằm trong danh mục khu vực phát triển du lịch quốc gia đến 2030 có 1 điểm
Như vậy, ngành Du lịch Bạc Liêu đã đặt mục tiêu đến năm 2025 có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, thân thiện, có tính cạnh tranh cao trong khu vực và cả nước; xét về quy mô Bạc liêu là một trong những trung tâm du lịch của khu vực ĐBSCL. Chỉ tiêu đến năm 2025, đón 7 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 10 nghìn tỉ đồng, đóng góp 7% GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho 30 nghìn lao động (12 nghìn lao động trực tiếp), toàn tỉnh có 15 điểm du lịch, 1 khu du lịch cấp tỉnh được công nhận và nằm trong danh mục các khu vực có tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia.
Đến năm 2030, Bạc Liêu có ngành Du lịch phát triển bền vững với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và chuyên nghiệp; là một trong những trung tâm du lịch của khu vực ĐBSCL cả về quy mô và chất lượng. Chỉ tiêu đón 12 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 28 nghìn tỉ đồng, đóng góp 10,9% GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho 50 nghìn lao động (20 nghìn lao động trực tiếp), toàn tỉnh có 20 điểm du lịch, 2 khu vực lịch cấp tỉnh được công nhận, trong đó 1 khu du lịch được công nhận là Khu du lịch quốc gia.
Tầm nhìn đến 2050: Bạc Liêu trở thành tỉnh có ngành du lịch phát triển, trở thành trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL.
Định hướng phát triển đô thị du lịch thành phố Bạc Liêu
Về phát triển không gian, tuyến du lịch, tỉnh Bạc Liêu đề xuất Bộ VHTTDL trong quá trình lập quy hoạch xác định 4 hướng tuyến kết nối du lịch giữa các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL với Bạc Liêu gồm: Tuyến đã được đầu tư và khai thác hiệu quả (trục trung tâm 1A kết nối qua các tỉnh, thành phố Cần Thơ- Hậu Giang- Sóc Trăng- Bạc Liêu- Cà Mau); tuyến đang được đầu tư khai thác ( kết nối Bến Tre- Trà Vinh- Sóc Trăng- Bạc Liêu- Cà Mau); tuyến du lịch đầu tư thời gian tới…
Theo, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, Đề án phát triển du lịch thành phố Bạc Liêu cần có điểm nhấn về sản phẩm chính. Trên cơ sở những ưu điểm và tiềm năng, sản phẩm du lịch của Bạc Liêu là văn hóa và ẩm thực, từ đó cần xây dựng hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật để phát triển hai dòng sản phẩm chính này. Để xây dựng được Đề án, tỉnh cũng cần quan tâm đến quy hoạch phân khu cũng như vùng phát triển của thành phố Bạc Liêu, đưa ra những định hướng phát triển lâu dài, đồng thời có các chuyên gia tư vấn trong quá trình xây dựng Đề án.
Về giải pháp phát triển thành phố Bạc Liêu trở thành trung tâm dịch vụ của vùng ĐBSCL, Tổng cục trưởng cho biết, trong dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam mà Bộ VHTTDL đang xây dựng, nội dung này đã được đưa vào trong phương án phát triển. Để trở thành trung tâm du lịch của vùng, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, bên cạnh điểm nhấn là Khu du lịch Nhà Mát, cần quan tâm phát huy tiềm năng về thiên nhiên, văn hóa; hoàn thiện hệ thống dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, đầu tư hạ tầng giao thông để thuận tiện liên kết với các địa phương.
Để đưa Khu Du lịch Nhà Mát trở thành Khu Du lịch quốc gia, tỉnh Bạc Liêu cần có quan điểm, quy định phát triển các hoạt động vui chơi giải trí nhưng vẫn bảo tồn được vẻ đẹp thiên nhiên của khu du lịch này. Đồng thời cần có quy hoạch, quy định cụ thể, lấy đó là công cụ đánh giá, kiểm tra, giám sát để phát triển khu du lịch.
Tài liệu kèm theo:
- Bản đồ hiện trạng ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu
- Bản đồ Phương án quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bạc Liêu